Thành Phố Không Mặt Người
Phan_16 end
-Chị ơi, em lạnh quá!
-Thôi, em cố chịu đi, trời sắp sáng rồi!
-Hay mình về nhà đi!
-Không được đâu, về nhà bây giờ thì bố đánh chết đó. Em có muốn bị đánh không?
-Em không muốn đâu! Nhưng mà...
Nó bỏ lửng câu nói, nghẹn ngào dụi mặt vào ngực tôi, mắt nhắm nghiền như muốn quên đi thời tiết khắc nghiệt để chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi khẽ khàng đưa tay quàng qua người nó, nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc mây mềm mại, vỗ về và bất chợt cất tiếng hát ru của mẹ" Âù ơ, cái ngủ mày ngủ cho ngoan, để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về..."
Cuối cùng, em tôi cũng ngủ yên. Ngoài trời, gió vẫn thổi xao xác từng cơn. Bên bờ sông, dường như có ai đó đang ngồi thẫn thờ đạp chân khuya những con nước. Tôi băn khoăn tự hỏi:" không biết kẻ cô đơn nào lại ngồi giữa đêm mùa đông lạnh thế này?". Tôi tò mò lại gần, thì ra đó là một cậu bé. Và thoáng giật mình khi nhìn thấy nó chỉ mặc độc có một bộ quần áo cộc mỏng manh, vá víu.
-Em không lạnh à?
Thằng bé quay sang nhìn tôi. Thứ ánh sáng hiu hắt từ cây đèn treo trước lều làm cả khuôn mặt nó hiện lên mờ ảo với đôi mắt to, đen láy nhưng mệt mỏi, u buồn:
-Sao em không về nhà? Em không sợ ma à? Đêm lạnh thế này mà em chỉ mặc thế thôi hả? Thế nhà em ở đâu? Chị đưa em về nhé!...
Mặc cho tôi luôn miệng hỏi han, thằng bé vẫn im lặng, chân vẫn không ngừng đạp nước. Tôi kiên nhẫn ngồi xuống bên cạnh nó.
-Chị có hái được chúng không?
Nó thẫn thờ chỉ vào những cành duối đâm ra sông, hỏi tôi .
-Xa lắm. Chị không hái được. Em cần chúng làm gì? Khuya lắm rồi, về nhà đi, bố mẹ em sẽ lo lắm đấy!
- Em không về được?
-Sao thế?-Tôi lo lắng hỏi
Sau một thoáng im lặng, nó ngập ngừng:
-Vì... em đói!
Nó từ từ thả mình xuống mặt nước, chầm chậm lội trên sông, khi ra giữa dòng, nó quay lại nhìn tôi một cách buồn rầu rồi lặng lẽ tan biến vào sương khói để tôi thần người đứng trơ lại trên bờ đầy kinh ngạc và sợ hãi. Tôi choàng tỉnh dậy mới ngỡ ngàng đó là một giấc mơ nhưng tôi vẫn nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng khuya nước và ám ảnh trong tâm trí khuôn mặt nhợt nhạt của thằng bé xa lạ. Một miền kí ức ùa về. Ở đó thấp thoáng hình ảnh về một trưa hè oi ả. Nắng chang chang dát vàng mọi nẻo đường khiến chúng thao thức vì nóng bỏng và khô rát. Cả làng quê đang im lìm trong giấc ngủ vùi mệt mỏi. Bỗng. Xáo động cả không gian tiếng người ta tớn tác gọi nhau, âm thanh dồn dập của những bước chân mải mốt, vội vàng. Mọi người đứng túm tụm ngoài bờ sông, vây quanh một người đàn bà đang vật vã trong tiếng khóc than thảm thiết. Một đứa trẻ nằm sõng soài trên nền đất, trong vòng tay gầy guộc của người mẹ. Có khi nào...
Mấy ai ngờ, đằng sau những lũy tre làng yên ả ngả mình vào nhau che chở cho làng tôi là những cơn bão táp của cuộc đời. Ở đó, có những đứa trẻ như chúng tôi. Những đứa trẻ nghèo nàn, thất học, mặt mũi lúc nào cũng lấm lem bùn đất, buồn rầu, ngẩn ngơ, đôi khi cả tục tĩu, biết văng bậy và chửi thề. Chúng lang thang trên những cánh đồng, ven những con sông. Chúng rình rập trong những bờ bụi để chờ người ta bất cẩn rồi ăn cắp. Những đứa trẻ bị cha chúng ruồng rẫy, hắt hủi ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Xét đến cùng, đó cũng chỉ là những đứa trẻ đáng thương, những đứa trẻ chết yểu khi mới chớm đặt chân vào ranh giới của cuộc đời. Vì mưu sinh, vì hoàn cảnh xô đẩy, hay vì một lí do nào khác những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi, vì lẽ đó mà cuộc đời chúng cũng chẳng khác gì cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi. Những đứa trẻ chết dần chết mòn trong sự ghẻ lạnh. Chúng sống trên đời vật vờ, tạm bợ. Và trông chúng giống những sinh vật nhỏ bé, yếu ớt, tất cả hành động theo bản năng. Những đứa trẻ lớn lên, chúng rời làng quê phiêu dạt kiếm ăn nơi xứ người. Rồi đến khi bị sóng gió cuộc đời quật tơi tả lại tìm đường quay trở về quê hương như con thuyền sau bao lao đao muốn tìm một bến đỗ bình yên. Chúng lấy vợ, sinh con. Nhưng chúng không thay đổi hình hài mà mang chính những khuôn mặt tàn nhẫn của cha chúng. Những đứa trẻ tội nghiệp lại ra đời, vẫn quay cuồng trong vòng tròn luẩn quẩn của số phận.
Kết thúc mùa đông bằng một trận mưa rào xối xả, trời trở sang mùa xuân ấm áp và dễ chịu, nhất là khi có sự xuất hiện của người đàn bà mua sắt vụn. Không ai biết bà từ đâu tới mà chỉ biết rằng từ khi có người đàn bà ấy, bọn trẻ con trong xóm thay khuôn mặt ủ ê bằng những tiếng cười vui vẻ vì chúng có kẹo kéo để ăn. Bà nói chúng tôi dễ thương và đặc biệt quan tâm nên nhiều lúc kẹo kéo còn được bà cho không. Bà hay nhìn đứa em gái tôi bằng đôi mắt thẫn thờ và thường cho nó đồ chơi. Những vỏ chai bẩn thỉu mà tôi nhặt nhạnh trong vườn được người đàn bà đồng nát trả với giá cao, như thể bà vừa mua vừa cho. Giữa chúng tôi không có bất cứ một mối quan hệ máu mủ nào nhưng tình cảm của người đàn bà xa lạ khiến chúng tôi quyến luyến. Biết đâu, bà lại chẳng đã có những đứa con, cũng chạc tuổi chúng tôi và có những nét giống nhau, vì mưu sinh, bà phải xa chúng. Và, bây giờ, khi nhìn hai chị em tôi, bà chạnh lòng khi nhớ về những đứa trẻ mình đã bỏ lại bơ vơ.
Cha đã có phần nhẹ nhàng hơn trong cách cư xử với chúng tôi. Những công trình ít dần đi. Cha không còn phải theo đám phụ hồ hết làng này sang làng khác. Nhưng cũng từ đây, cha có một niềm vui mới. Cha đem về một người đàn bà xa lạ. Bà ta có một dáng người nhỏ thó, đôi gò má cao và đôi mắt lá dăm bé tí, lúc nào cũng liếc ngang liếc dọc một cách gian xảo, khiến người đối diện không mấy thiện cảm. Dường như cha đã quên đi sự hận thù với mẹ để đón nhận người đàn bà kia. Ông chỉ vào người đàn bà ngồi ghé vào mép giường, bảo chúng tôi:
-Từ nay, kia là mẹ của chúng mày. Chúng mày phải đối xử tốt. Nếu hỗn, tao đánh chết!
Nhưng ở với cha chẳng được bao lâu, người đàn bà bỏ đi. Chúng tôi đã nhìn thấy bà khoác túi quần áo và ẵm đứa con gái mới lọt lòng ra bến sông chờ đò. Nhưng chúng tôi cứ để mọi chuyện buông xuôi, không níu kéo, ngăn cản cũng không nói với cha vì chúng tôi đã nhìn thấy mẹ trong người đàn bà ấy. Ngày hôm đó, trời cũng mưa tầm tã như ngày chạy chốn của mẹ. Dáng bà cô độc và yếu đuối giữa không gian đìu hiu, hoang vắng khiến chúng tôi chạnh lòng. Không biết ở con đường phía trước, liệu bà có chống đỡ được những cơn bão táp của cuộc đời.
Cha không đi tìm người đàn bà nhưng trút hết giận dữ lên đầu chúng tôi. Mười mấy năm qua đi đã tôi rèn chúng tôi trở thành những đứa trẻ chai sạn, không còn kêu khóc khi bị đánh mà chỉ âm thầm chịu đựng nuốt những giọt nước mắt mặn chát. Đến đêm, lừa lúc tôi ngủ say, đứa em gái đã bỏ đi để mãi mãi về sau không bao giờ còn quay trở lại. Ngôi nhà ngói ba gian xiêu vẹo, tuyềnh toàng giờ chỉ còn lại hai con người đơn độc, luôn thiếu vắng tình thương của một người phụ nữ. Không hiểu vì đâu mà người đàn bà bán đồng nát cũng không còn quay lại xóm đổi kẹo khiến tôi hụt hẫng.
Nhưng cũng kể từ đấy tôi hận cha, hận tất cả những gì mà tuổi thơ của tôi đã bị đánh cắp. Mặc cho ông đang dần thay đổi, ông không còn chửi mắng và đánh đập tôi, như thể ông muốn níu kéo đứa con gái cuối cùng còn sót lại. Nhưng, đối với tôi, tất cả đã quá muộn màng.
Trời ngả về chiều, gió lồng lộng thổi đung đưa những ngọn cây. Tôi tỉ mẩn nhặt từng hạt sạn, mở vòi nước vo gạo rồi bưng nồi vào bếp, nhóm lửa nấu cơm. Ngoài sân, cha vẫn cặm cụi làm những chiếc vó để ngày mai kịp thả chúng xuống sông. Bỗng từ xa dồn dập tiếng bước chân, tiếng người hò hét. Tiếng vọng ngày một gần hơn đến khi kéo hẳn vào trong sân nhà tôi một lũ người ngợm gớm ghiếc. Da chúng đen ngòm màu cháy nắng và trên mái tóc nhuộm những màu xanh đỏ lòe loẹt. Có khi nào, chúng đến để trừng phạt tôi vì đã dám cạnh tranh làm ăn với chủ cửa hàng cá ngoài chợ. Chúng mang những hình hài và những cái nhìn tàn nhẫn, nửa xa lạ mà nửa như thân quen. Biết đâu, nếu dò tìm trong kí ức, tôi đã từng gặp chúng ở đâu đó: một cánh đồng hoang vắng, ven bờ sông hay lấp ló trong một bụi cây rậm rạp...khi chúng còn là những đứa trẻ.
Bọn người dữ tợn tiến sát và dồn tôi vào chân tường của gian bếp, trực đánh nhưng cha đã kịp thời cản chúng lại. Chúng hung hãn quay sang đánh cha. Tiếng gậy gộc đập vào xương nghe răng rắc, đầu cha chảy máu, những giọt máu lăn dài trên mặt, rỏ xuống chiếc áo cộc trắng cha đang mặc làm tim tôi đau nhói. Tôi hoảng sợ đứng chôn chân một chỗ, bỗng có tiếng cha quát lớn:
-Chạy đi Lan! Chạy đi con! Chạy đi...
Tôi sực tỉnh, hoảng sợ bỏ chạy. Đây là lần đầu tiên trong mười tám năm sống trong kiếp người, tôi được nghe cha gọi một tiếng "con". Tôi ao ước đó không phải là lần duy nhất và cuối cùng. Tôi cắm đầu chạy băng qua những con đường, những cánh đồng quen thuộc rồi cuối cùng đuối sức gục ngã ở bờ sông. Mắt tôi hoa lên, toàn thân run rẩy vì sợ hãi. Tôi thấy tim mình đang thoi thóp. Trong lúc chờ đợi cái chết sẽ ập đến, tôi nghĩ về cha. Rằng, cha chỉ là nạn nhân của nghèo nàn và hủ tục. Gía như không có những con sóng dữ dằn của cuộc đời xô ngã thì có lẽ cha đã khác, sẽ hiền hòa và yêu thương chúng tôi. Cha ruồng rẫy chúng tôi chỉ vì cha khổ quá và ông muốn giải tỏa những cơn đau đang hành hạ, quặn thắt trong lòng. Trong cuộc đời, ai chẳng một lần phạm sai lầm. Điều quan trọng là biết quay đầu sửa chữa. Đừng bao giờ ta quay lưng với họ, đừng nên khắc hận thù nên đá mà hãy viết chúng lên cát để những cơn gió tới sẽ thổi bay đi. Bây giờ, sau bao biến động, tôi đã có thể tỉnh táo nhìn nhận lại cha và tha thứ...
Bỗng một bàn tay nâng tôi dậy, đặt đầu tôi vào lòng, vuốt những giọt nước mắt đang nhòe nhoẹt trên gò má, vỗ về tôi. Ngẩng mặt lên nhìn, tôi nhận ra đó là người đàn bà bán đồng nát, bà từ từ bỏ chiếc khăn đang che trên mặt chỉ để hở đôi mắt, tôi bàng hoàng khi đó là mẹ. Bà thổn thức:
-Mẹ xin lỗi...đã bỏ các con lại. Mẹ về rồi và sẽ không bao giờ xa con nữa. Con tha thứ ẹ, được khôg con?
Tôi không nói được lời nào. Mọi thứ từ từ chìm ngập vào bóng tối. Trong cơn mê man, tôi nhìn thấy đứa trẻ xa lạ có đôi mắt buồn rầu ngày nào đứng ở giữa sông nhìn tôi mỉm cười. Có một cột sáng chói lòa rọi xuống từ trên trời, một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu đến bên, dắt tay nó theo cột sáng bay lên thiên đường.
Liêu Xá, ngày 13 tháng 7 năm 2011.
28. Bơ vơ (Thiếu)
29. Xác chữ
Truyện ngắn của Phạm Long Hà
Hạnh đưa cánh tay gầy nhẳng xanh xao vén khe khẽ miếng vải che hờ khung cửa sổ. Miếng vải màu xanh nhạt đã cũ kĩ ngả vàng như tấm màng ngăn cách căn phòng u tối ẩm mốc tĩnh mịch với thế giới đầy phởn phơ thơ thới tạp nham ồn ã bên kia đường. Chẳng mấy khi Hạnh chạm tay vào tấm vải ấy, vén ra. Với hắn, ánh sáng như của thừa. Hắn nghe tiếng mưa gõ trên mái tôn boong boong từng giọt thưa rồi mau dần tới lúc sàn sạt không còn rõ hạt ngắn hay hạt dài. Hắn thấy tiếng bước chân của mẹ cùng tiếng thốt ngỡ ngàng: “Trời ơi, tháng Giêng mưa rào!”. Hắn nhỏm người nhìn ra ngoài, mưa xối xuống, từ vỉa hè, từng dòng nước đen ngòm như nước cống loang rộng chảy xuống mặt đường trôi vằn vèo như những con rắn khổng lồ dị dạng. Ngáo ngơ nhìn người xe xuôi ngược giao nhau khiến mắt hắn hoa lên. Bỗng gió bấc xiên thành từng luồng vào ngực, hắn bất chợt rùng mình, vội kéo tấm vải. Đặt khe khẽ cái đầu xuống mặt chiếu, hắn thao láo mắt nhìn lên trần nhà lắng nghe mẹ hắn đi lại khẽ khàng trong căn phòng, vừa rờ rẫm vừa lẩm bẩm với cơn mưa rào trái mùa kì lạ. Mẹ hắn bảo, mọi thứ lung tung rồi, mùa cũng lung tung. Hắn chợt phì cười vì cách nói của mẹ nhưng bỗng một cơn nhói trong não khiến hắn lại ngây ra.
…
Con phố vắt ngang tầm mắt từ khung cửa sổ nhà Hạnh cứ Tết đến bỗng huyên náo lạ thường. Cả một vỉa hè bán buôn cho gửi được bày ra với đủ thứ hàng từ lọ hoa bình bát giả cổ, tranh gốm tranh sứ, tranh Đông Hồ, Hàng Trống, giấy điệp mực tàu đến giày xuất khẩu lỗi, găng tay cao su, hóa chất cọ rửa. Không hẹn mà thành, từ ngày rằm tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng, thiên hạ rủ nhau về bán mua. Hạnh cũng chẳng nằm ngoài số người thẩn thơ trên cái vỉa hè ấy. Hắn thủng thỉnh ra đường.
Ngày nào cũng giống ngày nào, đầu tiên hắn ghé quán nước làm ngụm trà thật đặc, bắn mồi thuốc lào rồi phả khói mơ màng lên tán cây trên đầu. Quán có quanh năm, chẳng kể mưa hay nắng, một góc tựa lưng vào bờ tường, góc kê vào cột điện, cái võng đung đưa lão chủ quán cả bốn mùa, ngày đêm. Hạnh với lão chủ quán có lạ gì nhau, bởi cùng là dân trên con phố này, chỉ có điều, thời lão mặc bộ quần áo lính ngồi tựa lưng vào bờ tường, tay vẩy dây đàn cất giọng hát về những cơn mưa rừng hay những ngày xuân đầy tiếng súng thì Hạnh mới đang mặc quần đùi đi học. Vì thế, cuộc đời lão đối với Hạnh, có những khúc vẫn còn như một ẩn số.
Hạnh phà thêm một ngụm khói lên cây, lâng lâng thể xác trong một ban mai tịnh mát, bắt chéo tay sau lưng thong thả bước trên vỉa hè. Hắn đi chậm rãi nhìn chăm chú từng món hàng. Chỉ khi bước chân đến dãy hàng chữ thì hắn sững lại. Hắn ngỡ ngàng nhìn một dọc bờ tường treo đầy giấy đỏ, không tin vào mắt mình vì thấy nó bỗng dài hơn năm ngoái năm kia. Sững lại rồi bước tiếp. Hạnh ước chừng mọi năm, dãy hàng chữ chỉ ngồi một hàng chừng dăm ba chục bước chân, giờ bước từng đấy bước, hắn mới chỉ đến chỗ ngồi của lão thầy già bạn vong niên của bố hắn. Hắn chắp tay xá ông cụ râu trắng như cước ấy một xá rồi đi tiếp, nhẩm tính cũng còn phải cả vài trăm bước nữa hắn mới đi hết dãy hàng chữ. Hắn đi một lượt rồi dừng lại từng chiếu, cứ chiếu nào đông khách hắn chen vào. Hắn nhìn như hút vào chữ, vào cái màu mực đen mê hoặc cả đời cha hắn rồi truyền sang đời hắn. Có người viết nhận ra hắn đang lẫn trong đám đông người ngắm chữ kia thì reo lên: “Thầy Hạnh”. Hắn ngơ ngác cười, chắp tay trước trán, gập lưng vái dài người vừa xướng tên mình.
…
Từ hôm cái vỉa hè bán mua kia hoạt động, Hạnh cứ đi về bần thần. Có một tối, hắn bỏ cơm, bó gối ngồi nhìn chằng chằng lên bàn thờ cha. Hắn thắp ba nén hương lầm rầm khấn tiếng được tiếng khan rồi vặn tách cái công tắc đèn bàn. Hắn đi lại phía tủ sách của cha để lại, rút toàn bộ những cuốn sách tiếng Hán xếp thành chồng. Hắn lẹp kẹp bước xuống cầu thang ra phía sân kiếm cái chậu men mẻ mép của mấy bà già dùng để hóa vàng. Bóng hắn lặng lẽ hắt lên tường, gầy nhẳng và đơn độc. Hắn gù gù cái lưng ngồi xuống. Trang sách đầu tiên vàng ố mong manh rơi xuống đáy chậu. Lửa bùng lên. Hắn đốt.
Lửa uốn éo tựa bức tượng nàng vũ nữ Chăm chập chờn ma quái in bóng lên tường. Liếm láp ngon lành từng trang giấy tơi tả rơi ra từ tay hắn, cái màu ố vàng co rụm lại rồi biến mất trong chiếc chậu. Chữ nghĩa cũng biến mất. Tay hắn run run. Môi hắn bậm lại. Mắt hắn trừng trừng nhìn vào chậu tro. Bỗng một tiếng “xèo” rất nhẹ tan nhanh trên đống tro còn đang nóng rực. Giọt nước đâu như từ mắt hắn rơi ra. Hắn khóc. Hắn ậc ậc vài tiếng rồi bỗng hu hu tru lên như chó sói.
…
Cả cái vỉa hè bán mua cho gửi kia chiều nay om xòm tiếng nhạc. Từ giá chầu Ông Hoàng Bảy đến quan họVào chùa rồi Tương phùng tương ngộ đều thành nhạc đường phố ầm ầm với 2 chiếc loa thùng cỡ đại. Hạnh không dạo bước ngoài hàng chữ nữa, hắn ngồi lì nơi quán nước, mắt vô hồn nhìn mớ bảy mớ ba phấp phới bên kia đường. Lão bán quán nước chè thì khục khặc trong họng. Hạnh chỉ loáng thoáng nghe tiếng lão chửi. Lão chửi từ ông thầy già từng là bạn vong niên của bố Hạnh bỗng dở chứng ham tiền viết một chữ trên tờ giấy điệp bán ấy đứa sắp thi đại học bằng mệnh giá lớn nhất của tiền Việt, xin chữ hay mua chữ xong chúng đều xót, chửi lũ trò ranh viết được chục chữ cả đúng lẫn sai cứ đánh mép khua môi bán cho được, chửi người mua không hiểu chữ mà hám trò như trọc phú. Thành ra, tổng cộng tất tật lời của lão, thì lão chẳng tha ai, chửi từ đầu đến cuối vỉa hè. Rồi bỗng lão im bặt, lặng đi một hồi lão nói mà như nấc:
- Thời ông cụ nhà chú, chữ nghĩa hiu hắt – Lão hất hàm chỉ về góc phố - Nghèo! Như nhà tôi, sáu cái mồm khỏe như vâm, cả cái Tết được bốn lạng thịt ba chỉ bẽo nhẽo bạc nhạc, thì ai nghĩ gì đến chữ. Vài ông nhà trên phố cổ xuống đây, xin viết một chữ rồi ra ngồi tán cả buổi. Người ta bảo: Chữ ông cụ nhà chú đẹp và cốt cách lắm.
Hạnh cứ ngồi như vậy nhìn buổi chiều mùa đông rơi sập trên đầu. Mùi trầm hương bắt đầu lan nhè nhẹ trong không gian, quẩn sâu vào trong gió. Những mớ ba mớ bảy bên kia đường đến hồi vãn tà thì lão chủ quán nước nhổm dậy khỏi chiếc võng xoay người gỡ chiếc đàn cũ treo trên bờ tường xuống. Lão vuốt nhè nhè dây đàn. Lão cất giọng rè rè hát. Mùa xuân lá khô. Bài hát này Hạnh đã thuộc tai thuở còn đi học.
Nghe tiếng đàn của lão bán quán, cái quán nước bỗng vòng trong vòng ngoài người đứng nghe. Cả phố hàng chữ vừa dọn xong giấy mực cũng vây cả lại để tợp ngụm trà, rít vài mồi thuốc, chỉ còn lão thầy già vẫn lúi húi dọn giấy bên bức tường cùng một đứa con gái mắt thâm môi mỏng. Lão chủ quán kể với Hạnh ban sáng, năm nay thầy già có trợ lý thu tiền, sáng nó chở thầy đến, ngồi kè kè thầy cả ngày, chiều tối nó lại chở thầy về. Hạnh lọt thỏm người bên góc cột điện nhìn chăm chú dáng vóc ông bạn vong niên của cha run run vịn tay vào vai đứa gái rồi khẽ khàng vắt chân lên ngồi sau xe máy. Chiếc xe lao vút xuống đường, Hạnh vẫn ôm chặt chén nước trà. Trong tay hắn, lớp men ngoài chiếc chén ướt bóng lên vì mồ hôi từ lòng bàn tay hắn túa ra chứ nước thì đã nguội từ bao giờ . Hắn bỗng nhớ cha mình quá, nỗi nhớ héo hắt run rẩy như cơn gió chiều.
…
Thuở lên năm, Hạnh bắt đầu mài mực cho cha viết chữ. Mài mực một năm, cha tập cho Hạnh cầm bút. Chữ của cha Hạnh, người treo trong nhà không nhiều, người hiểu mới dám chơi nên chữ chỉ nằm nhiều trong đình đền miếu mạo chùa chiền và các câu đối treo trong nhà thờ nhiều dòng họ. Cả một đời, ông gập mình bên án thư như cây si già cắm rễ vào chữ, tai không nghe lời thị phi, mắt chẳng nhìn tới sự đổi thay thế thời cũng như chẳng màng tới sự tầm phào của thiên hạ. Tới Hạnh, hắn thông thạo hai mươi tám thứ ngôn ngữ nhưng cái chữ được viết nên bởi màu mực đen óng ả huyền hoặc kia vẫn luôn ám ảnh tâm tư hắn. Sau khi cha Hạnh mất, những người quen cũ của cha tới nhờ Hạnh làm nốt phần việc dang dở của ông. Cả căn phòng Hạnh chật nút trên gác hai của khu tập thể cũ nát, luôn ngập lên giấy tờ sao chụp lại những bản sắc phong đã mất hoặc cũ nát của nhiều dòng họ. Đi thì thôi, nếu ở nhà đêm đêm, hắn lại giống cha, gập mình bên án thư, in chiếc bóng cô độc lên bức tường vôi nham nhở mốc vàng.
Người am hiểu khen Hạnh “hổ phụ sinh hổ tử”, chữ nghĩa hắn như rồng bay phượng múa lại phủ màu bàng bạc của núi rộng sông cao. Hắn chỉ gập người, xá người khen một xá dài.
…
Càng áp Tết, vỉa hè kia càng trở nên tấp nập. Những hàng lọ bình bát cổ, tranh gốm tranh sứ, găng tay giày mũ nước tảy rửa dọn hàng từ sáng Ba mươi, chỉ còn lại dãy hàng chữ vẫn đông nghẹt người xem mua chen lấn. Chữ nghĩa gặp cơn gió nồm, mực đọng lại chảy thành dòng trên giấy, phấp phới bay dọc vỉa hè xớn xáo xôn xao. Đông người đến mua, dãy hàng chữ như được nâng cấp trở thành “chợ”, vách bịt lều che sớm chiều eo xèo mặc cả, bán mua, đổi chác. Chợ chữ náo nhiệt từ sáng sớm tới sẩm chiều, khi người ta không còn nhìn nổi mặt chữ trên nền giấy nữa thì dọn hàng.
Hạnh, lão chủ quán, anh chàng vẽ chân dung dạo cùng tay cắt tóc đầu phố bày chiếu rượu vỉa hè từ chín giờ sáng tới quá ba giờ chiều chưa ai muốn đứng lên. Lão chủ quán phó mặc việc cho đứa gái vẫn gọi lão là “bố”. Nó cứ tong tảy tay xách tích tay cầm chén, chân quấn lên cổ rót nước cho cả dãy vỉa hè rồi mê mải chạy lấy thêm nước sôi, thay xỉ than. Những lúc khách đông quá, mình nó phục vụ không hết, Gái quay sang gọi “bố”. Lão dường như không đếm xỉa đến tiếng gọi, nhưng có lúc bực lên, lão quát: Dẹp!.
Nhân lúc lão chủ quán đứng lên, lõng thõng đôi chân cà nhắc bước về phía cuối con phố, nơi đặt nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách đi đường, tay cắt tóc ghé vào tai Hạnh thì thầm. Hạnh như ớ ra vài phút rồi lại như chả có chuyện gì.
Rượu tàn, anh chàng vẽ chân dung dạo xoa bụng, tay thợ cắt tóc phủi đít, dọn chai, cùng mấy cái đĩa đựng đồ nhắm, lão chủ quán trở về đung đưa trên cái võng, Hạnh lại ngồi như dán người vào góc cột điện. Hắn cúi cong cái cổ như muốn để khuôn mặt song song với mặt đất nhưng thực ra thì hắn đang nhìn vào đôi tay của cái Gái. Tay Gái, da nứt toác như mặt ruộng ngày hạn, sần sùi chai cứng, chỗ tím lại, chỗ đỏ phồng lên. Những ngón tay ngắn, dị dạng sần sùi như phong ăn. Tay cắt tóc kể, cái Gái có đôi tay như thế, hồi nhỏ đi xin việc gãy lưỡi què chân chả gia đình nào dám nhận cho nó làm giúp việc. Thấy nó lang thang vất vưởng, lão chủ quán mới bày cái bàn bán nước ra vỉa hè cho nó đun nước, đổ xỉ than, và nó gọi lão bằng “bố”. Hạnh lại nhớ đến ánh mắt tinh quái của tay cắt tóc lúc kề miệng vào tai hắn thì thầm, rằng chỉ có mình tay ấy biết cái Gái là “tay vịn” của lão chủ quán, chứ chẳng bố con gì.
Chuyện bán buôn chữ nghĩa, hay góc tối của những mảnh đời trên cái vỉa hè này cũng đáo để hay. Cả năm gặp nhau chỉ một lần, chữ ai “lên tay”, chữ ai chỉ còn cái xác rỗng hay những bí mật tưởng chôn vùi bỗng bị bới móc đem buôn dưa lê. Lão thầy già bạn vong niên của cha hắn năm nay tay đã run lắm, khi xưa vận bút lẹ như dùng roi nhưng nay có lúc đãng trí viết quên nét. Thầy đồ Gia vốn tô chữ như thần năm nay bệnh gút hành hạ năm đầu ngón tay bèn giao lại chiếu chữ cho anh con trai, gặp hai người khách là lính biên phòng xin viết chữ “Tổ quốc”, anh con trai viết chữ “Tổ” rồi lật như muốn rách cuốn từ điển Hán - Việt vẫn không nhìn ra chữ “Quốc” viết nốt. Hạnh ngồi uống rượu với lão chủ quán nước, anh vẽ chân dung dạo, tay cắt tóc đầu phố từ sáng nghe kháo đủ thứ chuyện nhưng hắn đâu thấy rượu ngon gì, cứ đắng ngòm trong cuống họng rồi chát xít lại nơi thành vách dạ dày.
Hạnh đứng dậy, rời lưng khỏi cái cột điện. Lão chủ quán đoán hắn say lắm nên về nhà vì lão thấy mắt Hạnh đã chuyển sang màu đục ngàu. Nhưng hắn không về. Hạnh đi một lượt dọc vỉa hè, tay chắp trước ngực vừa đi vừa vái trước sự ngỡ ngàng của cả dọc dài con phố. Đi hết dãy hàng chữ bỗng dưng hắn húc sầm đầu vào bờ tường. Cú húc đầu mạnh tới nỗi tấm lưng lão chủ quán đang tựa vào bờ tường đầu kia cũng nghe thục lên một tiếng. Nháo nhào người xô nhau lại, lão chủ quán cũng cuồng chân thậm thọt chạy đến đám đông.
…
Hạnh mở mắt. Ý nghĩ đầu tiên sục sạo vào não hắn: Không chết! Hắn nhìn thấy khuôn mặt mẹ nhòa rồi nét rồi nhòa. Hắn lại thiếp đi.
Hắn được đưa về nhà trong tiếng nỉ non rên rỉ của mẹ cùng tiếng chẹp miệng của mấy bà già cùng khu tập thể rằng hắn đúng là thằng Hạnh rồ. Mẹ hắn than, con bà sẽ phải nằm yên cả tháng trời cho đám máu bầm bám trong não tan ra.
...
Hạnh nằm yên nghe từng tiếng bụi rơi trong căn phòng u tối ẩm mốc. Dường như mẹ hắn đang thắp hương khấn khứa thần linh thổ địa tổ tiên và cha hắn nên không gian quanh hắn quẩn đặc mùi khói nhang. Nhưng hơn cả thế, mùi khói càng lúc càng nặng, hắn ngóc đầu nhìn ra cửa sổ, bên kia đường lửa đang liếm từng đống giấy chất trên vỉa hè. Khói lượn vòng vèo bám lên cây, chui vào cửa sổ nhà hắn, mờ mịt. Hắn giật mình nhớ ra, hôm nay ngày Rằm tháng Giêng, ngày kết thúc của dãy hàng chữ. Chữ nghĩa còn sót lại được hóa vàng, tro than đang bay nháo nhác cả phố. Hạnh trừng trừng, dường như những cái xác của Phúc Đức Trí Tâm Hạnh Duyên Lộc Đạt đang lượn lờ trên không trung đùa giỡn trêu ngươi mắt hắn. Hắn đờ đẫn đưa tay kéo tấm vải che khung cửa sổ lại. Nhắm mắt rồi nhưng hình ảnh cả một vỉa hè dài xáo xác tro than đen sì nham nhở đỏ trắng vàng những mẩu giấy chưa cháy hết cứ như đang nằm ngay cạnh hắn. Tim hắn cứ đập dội lên từng hồi, mạnh tới nỗi hắn ước lượng được trọng lượng quả tim mình.
...
Người đàn bà cả đời dành nhiều thời gian cho việc quẩn quanh trong nhà dường không chịu nổi sự thất thường thời tiết trái mùa. Mẹ Hạnh cứ sột soạt đám túi ni lông như cất giữ gói ghém cái gì lâu lắm, miệng không ngớt lẩm bẩm, than van.
Kì lạ, tháng Giêng mà có mưa rào!
30. Thành phố không mặt người
Truyện ngắn của Hoàng Thị Thanh Hương
Cô có một thói quen rất lạ, đó là hay cắn móng tay, móng chân đến tứa máu. Cái cảm giác đau đau, xon xót khi những vết thương hở này tiếp xúc với môi trường bên ngoài làm cô vừa hoảng hốt vừa thích thú. Chính vì sở thích kỳ dị này nên mãi đến hai mươi tuổi, móng tay móng chân cô vẫn không dài được mà luôn ăn sát vào da, nhìn cụt lủn, khó coi vô cùng. Vậy nhưng cô đâu để chúng yên! Bất cứ khi nào buồn buồn hoặc lo lắng, hồi hộp, cô lại ngồi cắn móng tay, cạy móng chân. Mười đầu ngón tay ngón chân của cô lúc nào cũng tươm tướp, tựa hồ chỉ cần gảy nhẹ thêm một chút là máu từ cơ thể cô sẽ tuôn ra ồ ạt cho đến khi cô biến thành cái xác bệt bạt thì thôi.
Cô sống ở thành phố phía Tây đã lâu lắm rồi, đến nỗi nhiều khi nhớ lại, cô tưởng đã dài hằng thế kỷ. Cô ở trọ một mình cùng với một bầy mèo hoang. Trong thành phố này, cô không rõ mình biết được bao nhiêu người. Người ở đây không có mặt nên hôm nay cô nói chuyện với họ, nhưng ngày mai họ làm kiểu tóc khác, mặc bộ áo khác, vậy là không nhận ra, và hai người trở thành xa lạ. Lúc đầu mới đến thành phố, cô có hơi ngạc nhiên, nhưng dần dà rồi cũng quen. Tuy vậy, chỉ có con người là không có mặt, còn những bầy mèo hoang, chó hoang, chuột hoang ở đây, con nào cũng có mặt. Cô tin là cô vẫn còn mặt.
Seiko bảo, nếu đến cuối tháng anh kiếm đủ một ngàn đô la thì anh sẽ dẫn cô đi du lịch nhân kỉ niệm ngày cô và anh quen nhau. Năm ngoái Seiko tặng cô một thỏi son đỏ như máu của L’Oreal. Năm kia thì anh quên không tặng gì. Năm trước nữa anh bận đi công tác. Năm trước đó nữa anh tặng cô một cái lắc PNJ. Năm trước của năm trước đó nữa anh say rượu, gặp tai nạn phải nằm viện, cả hai người chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến ngày kỉ niệm. Seiko tính tình cũng tốt, chỉ tội cái vô tâm. Anh hay quên nhiều thứ, và phải nhờ đến ứng dụng nhắc nhở công việc của điện thoại. Có lẽ trong bộ nhớ của anh, chỉ có hai thứ được lập trình kĩ càng khiến anh ngủ cũng không quên được, đó là mật khẩu tài khoản tiết kiệm và chiếc đồng hồ hiệu Seiko đeo trên tay. Lúc nào anh cũng phải đeo nó ở cổ tay trái, mặt nằm đúng trên phần xương sụn và lúc nào cũng phải láng bóng. Anh luôn chú ý cử động tay trái nhẹ nhàng để không làm đồng hồ bị trầy xước. Có lần vô tình làm rơi nó xuống nền gạch, anh đã buồn cả tuần sau đó. Chính vì vậy, anh mới được gọi là Seiko.
Nhờ có cái đồng hồ hiệu Seiko mà mọi người có thể nhớ và phân biệt anh. Còn cô, cô không đeo gì cả. Quần áo cũng ăn mặc lung tung, thích thế nào thì kết hợp thế ấy. Vì vậy, hôm nay người ta gọi cô là Tóc Tém thì mai đã gọi là Tóc Xù; nay Áo Vàng thì mai Áo Xanh; nay Channel mai Kappa… Cô không cho đó là phiền hà, miễn là cô còn mặt. Cô luôn tự nhủ như vậy. Có lần, cô hỏi Mai (tên một con mèo):
“Nếu mày không còn mặt, mày sẽ thế nào nhỉ?”
Mai là con mèo đực đầu đàn khôn ngoan nhất, và về một khía cạnh nào đó, có thể xem là con vật có tư cách nhất. Nó không bao giờ lén lút ăn vụng, không bao giờ tham lam mà quên cả tính mạng, không bao giờ hung hăng, ỷ vào sức mạnh để giành giật miếng ăn của kẻ yếu hơn. Nó là một con mèo được kính nể và tin tưởng tuyệt đối.
Nghe cô hỏi vậy, Mai vểnh sợi râu lên ra chiều nghĩ ngợi. Một lúc nó tặc lưỡi bảo:
“Chắc tôi chết mất!”
“Sao lại chết?” – Cô ngạc nhiên.
“Thế thì còn gì là tôi nữa?!”
Con mèo đáp chắc nịch rồi lại tiếp tục công việc ưa thích của nó là liếm láp chân cẳng, lông lá. Một lúc, nó quay qua cô, cất tiếng meo meo:
“Thế còn cô?”
“Tôi à? Tôi không dám khẳng định điều gì cả”.
Mai gật đầu ra chiều hiểu biết:
“Tôi nhìn thấy mà. Ngoài kia bao nhiêu người không có mặt nhưng vẫn sống đấy thôi!”
Cô im lặng. Con mèo nói cũng đúng.
Mai có khả năng đặc biệt, nó đoán biết mọi việc như thần. Lần đầu tiên bắt gặp cô đi với Seiko trên đường, về nhà nó đã khịt mũi hỏi, anh chàng đó là Seiko à? Cô bảo ừ. Mai trầm ngâm, Seiko ấy à? Bản thân mình anh ta cũng chẳng biết có đủ mười ngón chân ngón tay hay không, nhưng nếu hỏi có bao nhiêu khấc trên dây đồng hồ, hoặc còn bao nhiêu tiền trong tài khoản là anh ta sẽ đọc vanh vách cho coi! Cô ngạc nhiên, sao mày biết rõ vậy Mai? Trời ạ, nếu tao mà được như mày, tao đã có thể kiếm bộn tiền để cút khỏi nơi này. Mai cười khục khựa, ria mép rung rung: Vì thế tôi mới là Mèo.
Mai không thích Seiko, nhưng cũng không ghét anh. Nói cho cùng, nó là một con mèo an phận, không mấy quan tâm đến xung quanh. Chỉ cần không động chạm đến nó, nó sẽ không xù lông giơ vuốt. Nó chỉ hay nhăn nhó mỗi khi thấy móng tay móng chân cô tướm máu. Mai không thích tình trạng này của cô chút nào. Nó gừ gừ, người ta thì trốn tránh đau đớn, sao cô lại đi tìm đau đớn làm chi? Cô nhún vai, chỉ hơi sưng và khó chịu một chút thôi mà. Nhưng những khi động chạm tay chân, nhờ cảm giác đó mới nhớ ra mình còn tồn tại. Mai nghe vậy thì không gầm gừ nữa. Nó phóng tót lên vách rào rồi biến mất. Tuy thế, nó vẫn không thể không cằn nhằn cử nhử mỗi khi thấy cô cắn móng tay, cạy móng chân.
Seiko thì không vậy. Anh không để ý đến thói quen này của cô, mà dẫu có thấy thì cũng chẳng tỏ thái độ gì. Câu nói anh hay dùng là: “Thế nào cũng được. Em thấy cái nào phù hợp thì em làm. Mỗi người phải có quyền tự quyết; anh không nên can thiệp”. Cô đem chuyện này kể cho Mai nghe, nó bảo, muốn Seiko tỏ thái độ thì chỉ cần xâm nhạp vào tài khoản ngân hàng của anh ta để rút ít tiền ăn vặt, hoặc giấu cái đồng hồ của anh ta đi là xong. Anh ta sẽ phát khùng cho coi! Mai còn nói thêm: Thật lòng tôi, tôi thấy Seiko hợp với Dior hơn cô đấy!
Dior là bạn cô. Cô với Dior và Seiko là bộ ba chơi với nhau từ hồi Trung học. Lên Đại học rồi ra trường, ba người thỉnh thoảng vẫn đi chơi chung. Cô với Seiko thành một cặp, còn Dior vẫn lêu lổng chơi bời, nay yêu người này, mai quen người khác. Dior luôn được sống theo ý mình, rất thoải mái. Cô ở chung cư cao cấp, đi xe tay ga láng coóng. Dior đặc biệt thích các túi Dior và cô có cả một bộ sưu tập các giỏ xách nhãn hiệu này. Cho nên, Dior mới được gọi là Dior. Dior thích cái tên này lắm. Thậm chí, Dior còn bảo, cô sẽ chết mất nếu một ngày nào đó không còn được gọi như vậy.
Mai không thích Dior. Mỗi lần cô đi chơi về, Mai hay đến ngửi người cô, hít hà đánh hơi. Có lần cô đi với Dior, thể là nó gầm gừ trong miệng:
“Cô lại gặp Dior à?”
“Có sao đâu! Mà sao mày biết?”
Mai nguẩy đuôi:
“Khó gì chuyện ấy! Cứ ngửi thấy cái mùi nồng nặc hỗn tạp của hàng tá son phấn, nước hoa thì biết!” – Mai vừa đưa chân lên liếm láp vừa lắc đầu – “Người gì mà ngay đến cái mùi người của mình cũng chẳng có! Vậy bảo làm sao tin cậy cô ta được?! Cô chơi với cô ta riết cũng giống cô ta mất thôi.” Cô nghe Mai nói vậy thì la oai oái: “Trời ạ, mày nghĩ gì vậy hả Mai? Điên khùng thật! Tao nằm mơ cũng không được như Dior nữa là!!!” Mai nhìn cô, khinh khỉnh cong đuôi bỏ ra ngoài.
Một ngày, Mai đột ngột mất tăm mất dạng. Cô cuống lên đi tìm khắp nơi trong thành phố phía Tây, thậm chí còn lên phát thanh, đăng báo. Được cái Mai còn mặt nên đăng lên báo cũng dễ dàng nhận diện. Cô đem tờ báo đi khắp nơi, người ta không trả lời câu hỏi của cô mà chỉ toàn ngạc nhiên hỏi lại, sao trên đời vẫn còn một nhân vật có mặt thế nhỉ? Tưởng đã bị tận diệt rồi chứ? Cô không biết phải đáp sao, đành ậm ừ cho qua. Vậy là việc tìm kiếm coi như đi tong. Thấy cô buồn, Dior lôi cô vào quán bar giải sầu (theo cách nói của Dior), kéo cả Seiko theo.
Ở sàn nhày, cả ba quay cuồng dưới ánh sáng đỏ xanh chớp nháy liên tục và tiếng nhạc rền rĩ muốn đinh tai nhức óc. Dior nhảy như điên, cứ thế ngoày tít mái đầu vàng như rơm rồi hét vào tai cô cả chục lần: “Woa! Sống vậy mới ra sống chứ! Tôi yêu cuộc đời này đến chết đi được!” Nhìn sang bên cạnh, Seiko cũng đang khuỳnh khoàng trong vũ điệu của một con rô bốt được lập trình đến từng cử động. Cảnh tượng ấy khiến cô bất chợt cười nắc nẻ, gập người lại vẫn không hết cười. Trong bóng tối, nước mắt chảy ướt đầm khuôn mặt thành từng vệt lấp loáng mỗi khi ánh đèn rọi vào.
Cô về nhà lúc đồng hồ chỉ mười hai giờ đêm. Seiko đưa cô đến trước cửa rồi vội vã quay về để kịp hoàn thành một kế hoạch nào đó, ngày mai nộp lên cấp trên còn nhận tiền thưởng. Trước khi lên xe, Seiko hôn vội lên má cô, vui vẻ bảo, cưng chuẩn bị sẵn vali đi, chúng ta sẽ đến thiên đàng của chúng ta. Ngày mai là cuối tháng, nhưng anh chắc chắn kiếm đủ một ngàn đô mà! Nhìn cái bóng tất tả của Seiko dưới ánh đèn khuya vàng đục, cô mỉm cười thầm hỏi, không biết Seiko có bán cái đồng hồ yêu quí của mình để bù cho đủ một ngàn đô la không nhỉ?!
Vào nhà, cô không kịp tắm rửa gì hết mà vội vàng quẳng mình xuống nệm đánh phịch làm bao nhiêu bụi vải từ đống chăn gối cũ kĩ bay lên lả tả. Trong không khí hanh khô, mùi mốc từ đâu xông lên, xộc thẳng vào mũi. Trong lòng cô bỗng dậy lên ước muốn tha thiết được như Dior, cô sẽ lập tức rời khỏi ngôi nhà này, thành phố này. Cô trở mình, quờ tay sang bên cạnh, chỗ nằm của con Mai vẫn trống không, lạnh lẽo như chưa hề tồn tại một con mèo như vậy trên thế gian này. Hốt hoảng, cô ngồi bật dậy, cầm gương lên soi. Cô chậm rãi sờ từng đường nét trên khuôn mặt vốn của mình. Dưới ánh sáng lờ mờ từ bên ngoài hắt vào, cô nhận ra, cô đã chẳng còn mặt. Sững sờ, cô cố gắng cắn móng tay đến bật máu.
HẾT.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian